Phải nói là các loại rau ở miền Tây rất hợp để nhúng nhiều loại lẩu rặc ri hương vị miền sông nước như lẩu gà nấu lá quế ớt hiểm, lẩu lươn, lẩu cá và đặc biệt là lẩu mắm linh hồn của miền tây. Rau ăn lẩu mắm có nhiều lắm kể hoài cũng hổng hết và cứ là dân miền Tây thì lúc nào cũng rành rẽ hết như bông điên điển vàng ươm có vị nhẫn nhẫn, bông súng ngọt mát nhúng mắm thì ăn rất đã rồi rau tai tượng, bông lục bình, rau dừa, rau muống, bắp chuối, đọt lục bình non, rau nhút mấy thứ rau này nghe tên là biết rau dại nhưng mà mỗi loại lại có một vị ngon riêng của nó.

Lẩu mắm miền Tây được nấu bằng mắm cá đồng nên đậm mùi, đậm vị thích hợp cùng các loại sản vật nước ngọt từ tự nhiên. Nhưng khi dọn lên bàn ăn sẽ khiến người ta gắp rau nhúng mắm ăn mãi mà cứ thấy vẫn còn thòm thèm.
Nếu hỏi rằng người ta nhớ gì, người ta thèm gì khi xa quê thì chắc sẽ có nhiều người nói ngay liền là lẩu mắm. Những đồ nhúng mắm với cá, tép và những loại rau tự nhiên hứa hẹn sẽ đem lại cho người ăn một loại cảm giác khác biệt khi ăn những món lẩu khác. Để cứ phải thương hoài mảnh đất miền Tây ân tình này.

Lẩu mắm miền Tây

Nồi lẩu mắm với nhiều nguyên liệu đồng quê

;

Người sành ăn, ai cũng bảo rằng chưa ăn lẩu mắm thì chưa biết, chưa hiểu về miền Tây. Ngẫm ra thì thấy rất đúng, chỉ một nồi lẩu dọn lên mà biết bao tinh túy của mảnh đất này đã hiện diện trong nó rồi đó. Mắm sẽ được nấu kĩ, ray lược bỏ xương và nêm nếm vừa miệng rồi bỏ vô đó là những thứ sản vật của quê hương sông nước, có gì nấu đó như con lươn mập, khứa cá béo, con tôm sông tươi roi rói hay mớ cá linh vảy lấp lánh ánh vàng. Lẩu mắm sẽ được nhúng chung với những thứ rau tự nhiên ở nơi này thứ nào cũng tươi mướt, thứ nào cũng tươi ngon hương vị đồng quê.

Lẩu mắm rất dễ ăn, ăn với cơm cũng được mà ăn với bún lại thêm ngon, ăn trong bữa sum họp thường nhật thì ấm bụng, mà lại dùng tiếp đãi khách khứa ghé chơi nhà thì lại thêm thơm thảo tấm lòng của gia chủ. Cả nhà cùng quây quần bên cái nồi lẩu nóng sôi dậy mùi mắm thơm phức, người thì gắp bún, người thì gắp cá, người lại nhúng rau, người giơ tay lấy vá chan nước, ai nấy cứ tự nhiên, thiệt tình ăn uống, thiệt tình vui vẻ rồi quay qua mời nhau ly rượu chuối ủ nhà cay nồng rồi lại hỏi thăm nhau kể cho nhau nghe những thứ chuyện trên trời dưới đất, ngồi nhâm nhi nồi lẩu với nước lẩu đậm vị mắm húp vô miếng nào là bụng dạ ấm liền tới đó, cá ở quê thì thơm mà ngọt còn mấy thứ rau quê thì đúng là tuyệt phẩm, những cảm nhận vị giác mà nó đem lại cho người thưởng thức thì đúng hổng phải dạng thường vị mắm, vị cá, vị rau rồi còn cả cái vị tình quê nữa, tất cả hòa chung hòa quyện với nhau để rồi cái nồi lẩu mắm không như thuở ban đầu là món ăn nữa mà trở thành một nỗi nhớ rất riêng khó lòng định nghĩa, khó lòng gọi tên và khôn thể nào quên được.

Lẩu mắm miền Tây

Nhìn mớ rau đồng là nhắc người ta phải ăn ngay lẩu mắm

;

Món lẩu mắm của miền sông nước, bằng một cách chân phương bình dị nhất nó đã đi vào đời sống của bà con và trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của xứ này khiến cho nhiều người thương thương, nhớ nhớ đến mùi vị. Để có được nồi lẩu mắm ngon thì trước tiên phải ủ mắm mấy tháng trời rồi để có được một nồi lẩu mắm ngon thì phải nấu trước trên bếp nhà quê được nêm nếm bằng tình thương ruột thịt.

Và món lẩu mắm ấy ngon nhất là được thưởng thức trong khung cảnh nhà quê mộc mạc, một mái nhà nhỏ, một bờ ruộng xanh, một dòng sông rộng, một trận mưa dầm dề một tấm chân tình của người nhà quê, con cá làm ra vị mắm đặc trưng kết tinh cho vị lẩu mắm tạo ra hương vị đậm hồn quê.